Chủ nghĩa xét lại nhất nguyên Chủ nghĩa phục quốc Do Thái xét lại

Bài chi tiết: Nhất nguyên

Đối với phong trào phục quốc Do Thái, kể cả người theo chủ nghĩa xét lại, sự kiện Đền thờ thứ nhì bị phá hủy và thời kỳ lưu đày là dấu hiệu chấm dứt chế độ nhà nước và bản sắc dân tộc Do Thái. Dân Do Thái bị các giáo sĩ dùng quyền lực tôn giáo và kinh Torah áp đặt. Những người xét lại cho rằng dân Do Thái hải ngoại đã mất niềm tin có thể giành được một quốc gia độc lập, và tự giới hạn mình trong những giá trị luân lý đạo đức phổ quát. Những người đi theo Jabontinsky tin rằng thời lưu đày đã dẫn đến việc dân Do Thái áp dụng các lý thuyết phổ quát, chủ nghĩa quốc tế và mong muốn kết hợp dân tộc mình với những giá trị tư tưởng khai sáng châu Âu và thế giới. Bản sắc không còn nguyên vẹn khi kết hợp tư tưởng thế giới với ý thức lịch sử, cộng đồng, ngôn ngữ và tôn giáo đặc trưng ở Palestine. Trong quá trình đào bới nguồn gốc vấn đề Do Thái, những người xét lại đã nỗ lực kết hợp tham vọng có được đất nước từ lý tưởng chủ nghĩa phục quốc với các giá trị của thế giới phi Do Thái. Theo Jabontinsky, phong trào quốc gia không thể cống hiến hết mình cho nhiều ý tưởng cùng lúc; một người chỉ nên dành cho một thế giới quan, một mục tiêu, một ý tưởng hoặc một thái độ. Tư tưởng tinh sạch như vậy mới có thể thực hiện mục tiêu. Từ đó, Jabontinsky không công nhận kết hợp của chủ nghĩa phục quốc với những thứ khác, chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội. Sự kết hợp như vậy sẽ pha loãng chủ nghĩa dân tộc Do Thái và đánh mất mục đích thực sự. Lý tưởng làm nên ý nghĩa cho chủ nghĩa phục quốc là tìm cách thành lập nhà nước Do Thái độc lập trên cả hai bờ sông Jordan.[58]

Abba Ahimeir so sánh sự khác biệt bản sắc Do Thái với Cơ Đốc giáo và chủ nghĩa Marx. Đây đều là những tư tưởng có bản chất xuyên biên giới, truyền tải thông điệp chung và cung cấp cứu cánh cho tầm thế giới. Ahimeir cho rằng đó là sai lầm vì bản chất con người chỉ được cứu rỗi và trọn vẹn thông qua quốc gia. Ông coi chủ nghĩa phục quốc do Ben-Gurion và Weizmann đại diện lại là một ví dụ khác. Thay vì tập trung vào việc tạo ra đất nước độc lập, những lãnh đạo này biện minh cho tham vọng quốc gia Do Thái và diễn tả như một thông điệp phổ quát cho cả thé giới. Theo Ahimeir, cách thức này đã làm mất đi cơ hội lịch sử để có một quốc gia Do Thái độc lập. Con đường duy nhất dẫn đến quốc gia và nhà nước Do Thái mới là bác bỏ các ý tưởng phương Tây, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa khoa học và chủ nghĩa hòa bình, phải quay lại đặc tính chiến binh Do Thái trước thời lưu đày.[59] Đến lượt Jehoshua Jevin chỉ trích sự phân chia chủ nghĩa phục quốc thành tinh thần và chính trị riêng biệt. Đối với ông, chỉ có chủ nghĩa phục quốc tinh thần thực sự mới là chủ nghĩa phục quốc chính trị, bởi vì chỉ khi có tư cách quốc gia độc lập, dân Do Thái mới có thể khám phá tâm hồn chính mình. Lời này nhắm đến ý tưởng của Achad ha-Am, người cho rằng chủ nghĩa phục quốc trước hết phải là phong trào văn hóa tinh thần. Jewin chỉ trích ha-Am về khía cạnh văn hóa cũng như niềm tin rằng chủ nghĩa phục quốc hoặc nhà nước Do Thái lại trở thành một phần của chủ nghĩa xã hội, đó là ý tưởng tha hương lịch sử sai lầm đã chiếm chỗ mục tiêu thực sự là quốc gia độc lập.[60]

Đối với Jabotinsky, không có sự ngăn cách giữa tâm linh và vật chất. Tâm linh phản ánh thuộc thể vật chất, nên muốn tìm hiểu quốc gia thì phải thấu hiểu được tâm lý nhân dân. Điều này ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại chứ không phải kinh tế. Jabotinsky cho rằng chừng nào dân Do Thái cứ tập trung vào những tư tưởng phổ quát trên thế giới thì sẽ không tập chú cho số phận bản thân dân tộc mình. Quốc gia mạnh không thể bị các ý thức hệ ngoại lai chi phối. Jabotinsky coi ngôn ngữ là một trong những yếu tố của sự phục hưng dân tộc, nên đã ủng hộ việc lấy tiếng Hebrew làm ngôn ngữ quốc gia. Đó là ngôn ngữ cổ có tính lịch sử của người Do Thái, đồng thời xem xét tiếng Yiddish làm ngôn ngữ thứ nhì dựa trên các thứ tiếng châu Âu và sử dụng bảng chữ cái Hebrew. Jabotinsky nói ngôn ngữ phản ánh đặc điểm và tâm lý quốc gia. Chỉ tiếng Do Thái mới có thể kết nối người Do Thái với quê hương thực sự của mình. Trên cơ sở đó, tiếng Yiddish không thỏa mãn và không được chọn để sử dụng tại Palestine.[61]

Chủ nghĩa xét lại nhất nguyên đặt quốc gia và nhà nước lên trên chủ nghĩa cá nhân và từng cá nhân đơn lẻ. Mỗi người phải nhận thấy mình là một phần của cả quốc gia. Mỗi hành động đều phải cống hiến cho quốc gia dân tộc. Jabotinsky coi xứ Israel (trong Kinh Thánh) với dân tộc Do Thái là một thể thống nhất không thể chia cắt. Nhà nước sinh ra từ ý chí dân tộc một cách chính đáng, đồng thời tổng hòa mọi lực lượng. Dân Do Thái mạnh thì nhà nước sẽ mạnh và thể hiện cho ý thức dân tộc.[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ nghĩa phục quốc Do Thái xét lại http://en.jabotinsky.org/zeev-jabotinsky/life-stor... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://etzel.org.il/english/index.html https://en.idi.org.il/israeli-elections-and-partie... https://www.likud.org.il/%D7%A2%D7%9C-%D7%94%D7%9C... https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn/1937/11... https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn/1938/03...